-
- Tổng tiền thanh toán:
Bà Nội thời nay
Tác giả: Phương Thuỳ Ngày cập nhật: 18/10/2022
Đối lập với hình ảnh người bà vất vả sớm hôm, tóc trắng, miệng nhai trầu thường thấy trong những bài văn mẫu, người bà trong bài thơ khá gần cuộc sống hiện đại với: hát karaoke, phóng xe máy, ...
Cộng đồng facebook đang truyền nhau bài thơ viết về người bà thời hiện đại nhưng không kém phần hóm hỉnh, hài hước.
Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Cô bắt làm văn tả Bà”:
Bà em mắt tím, môi trầm
Phóng xe ầm ầm, chẳng sợ công an
Váy Bà dài độ hai gang
Tiếng Anh, tiếng Pháp Bà phang ào ào.
Bà em thích đi guốc cao
Thích lướt phây búc, thể thao, nhảy đầm
Ra đường Bà đeo kính râm
Mặc áo hở ngực, tay cầm túi da.
Miệng Bà cười nở như hoa
Mấy anh trai trẻ xuýt xoa bần thần
Bà em rất sợ tăng cân
Nhưng thích đồ nướng, thích gần quán bia.
Thích chụp ảnh, thích cà phê
Thích chơi game, thích chạy xe đường dài
Hôm nay cô giáo ra bài
Làm văn miêu tả, đề tài: Bà em.
Em tả giống hệt như trên
Cô bắt làm lại, bảo thêm em rằng:
Đã là Bà, phải rụng răng
Tóc Bà phải trắng như trăng trên trời.
Là Bà: không được ăn chơi
Vì mắt Bà kém và môi ăn trầu
Là Bà thì phải ngồi khâu
Không được ngồi hát ka-râu-ô-kề .
Là Bà: không được lô, đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe không biết thế nào
Phải về hỏi mẹ xem sao vụ này.
Tả sai thì sợ không hay
Tả đúng thì sợ ăn ngay trứng gà (0 điểm)
Tiện đây xin hỏi cả nhà
Rằng em phải tả về Bà sao đây?
Ngay sau khi bài thơ được đưa lên facebook, nhiều bình luận tỏ ra khá thích thú trước cách miêu tả này.
Trước thực tế trẻ thường phải dựa theo văn mẫu viết bài, facebook của một giảng viên báo chí lo lắng: “Sợ nay mai cháu nó làm văn mẫu tả ông như tả con chó: Nhà em có nuôi một ông nội, từ ngày có ông, bọn trộm không dám bén mảng. thỉnh thoảng, em dắt ông nội ra công viên chơi, những lúc thích thú, thỉnh thoảng ông nội lại nhảy cẫng lên....”
Văn chính là đời, là những gì diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Vì vậy, việc học sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình là điều rất đáng khuyến khích. Hiện nay, cách dạy và học dần chuyển sang hướng phát huy năng lực học sinh, hạn chế sự thụ động làm theo văn mẫu.
Văn mẫu chỉ như một công cụ, một phương tiện giúp học sinh luyện kĩ năng. Sản phẩm học tập của học sinh thu được sau khi có kĩ năng là sự sáng tạo cá nhân, không phải là sự dập khuôn, bắt chước y như nguyên mẫu. Một bài văn hay vì thế phải là sự kết hợp kể, tả chân thật và lồng cảm xúc thực của các em vào đó chứ không phải chép các bài văn mẫu để chạy theo điểm số.
Mỗi học sinh là một cá thể, có sự sáng tạo, cảm xúc và khả năng riêng, và giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo, tính cá thể đó trên cơ sở đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lực của người học.
>> Có thể bạn quan tâm:
Phương Thùy St
(HeliFine Team)
Tags:
Đời sống